Quantcast
Channel: NET88MAX.COM
Viewing all articles
Browse latest Browse all 682

Đồng Nai đổi mới từng ngày

$
0
0

Là cửa ngõ của TP.Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm qua, Đồng Nai đã có những bước phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị với việc hàng loạt đô thị được nâng cấp.

Từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều đô thị tại Đồng Nai đã được nâng cấp. Cùng với đó, việc đầu tư các hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, mở rộng khu công nghiệp, xây dựng quy hoạch các khu dân cư và đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) sẽ là cơ sở để diện mạo đô thị Đồng Nai hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Đồng Nai Miền đất hứa của các nhà đầu tư

Nâng cấp hàng loạt đô thị

Đầu tháng 6-2019, Long Khánh đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường và nâng cấp TX.Long Khánh trở thành TP.Long Khánh, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra.

TP.Long Khánh có tổng diện tích gần 192km2, dân số trên 171 ngàn người và có 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 11 phường, 4 xã. Trong đó, 5 xã vừa được nâng cấp lên phường là Xuân Lập, Xuân Tân, Bảo Vinh, Suối Tre và Bàu Sen.

Trong quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Long Khánh sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2025. Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh Bùi Quốc Thể cho biết: “Giai đoạn từ năm 2021-2025, TP.Long Khánh sẽ phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại II và trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Hiện nay, các xã lên phường của thành phố đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí của cấp phường, tiếp tục giải quyết thủ tục cho người dân”.

TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh, đã được công nhận là đô thị loại I từ năm 2016. Từ ngày 1-7-2019, 6 xã của thành phố tiếp tục được nâng cấp thành phường, như vậy đơn vị hành chính của TP.Biên Hòa gồm 29 phường, 1 xã. Biên Hòa trở thành phố trực thuộc tỉnh có số phường nhiều nhất cả nước.

Là đô thị trung tâm, dân số đông trên 1,2 triệu người, vấn đề phát triển đô thị của Biên Hòa có vai trò quan trọng đối với kinh tế, xã hội toàn tỉnh. Lãnh đạo thành phố cho biết, mục tiêu mà thành phố đang hướng tới là trở thành một đô thị thông minh và là cực phát triển quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau nhiều năm phấn đấu, huyện Thống Nhất và Nhơn Trạch đã được công nhận có thị trấn Dầu Giây và Hiệp Phước. Thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất) được coi là đô thị “cửa ngõ” của giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vì có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua như: quốc lộ 1, quốc lộ 20, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, tuyến đường sắt Bắc – Nam. Trong khi đó, thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) được xem là thị trấn của công nghiệp, dịch vụ do trên địa bàn và khu vực xung quanh có nhiều khu công nghiệp và là nơi tập trung dân cư từ nơi khác đến sinh sống và làm việc.

Tin vui tiếp tục đến với Đồng Nai khi cùng trong tháng 7-2019, các thị trấn của 2 huyện Long Thành và Trảng Bom được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là 2 thị trấn quan trọng tạo nên mảng ghép hoàn thiện cho khu vực phát triển mạnh về đô thị của Đồng Nai kéo dài từ Biên Hòa qua Long Thành, Nhơn Trạch, nối với Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh. Khu vực này cũng là khu vực chính được định hình để phát triển đô thị Đồng Nai trong tương lai.

Đô thị “cất cánh” theo hạ tầng

Trong những năm qua ở Đồng Nai, gắn liền với sự phát triển đô thị là phát triển hạ tầng, từ các tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây, Bến Lức – Long Thành đến việc nâng cấp 2 con đường huyết mạch là quốc lộ 1 và quốc lộ 51.

Trong tương lai gần, 2 tuyến đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và Dầu Giây – Liên Khương cũng sẽ được khởi công, hệ thống giao thông kết nối ngoại vi của trục đô thị Đồng Nai với các địa phương lân cận, nhất là TP.Hồ Chí Minh sẽ ngày càng được hoàn thiện.

infographic-dong-nai
Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số của các đơn vị hành chính trong tỉnh có sự thay đổi về tên gọi, quy mô trong năm 2019 (Thông tin: HƯƠNG GIANG – Đồ họa: HẢI QUÂN)

Nói đến đầu tư xây dựng hạ tầng, không thể không nhắc tới Sân bay Long Thành, dự án trọng điểm quốc gia được Trung ương giao cho Đồng Nai và Bộ Giao thông – vận tải phối hợp thực hiện. Dự án đang trong giai đoạn gấp rút triển khai các phần việc liên quan để triển khai giải phóng mặt bằng, khởi công xây dựng vào các năm 2020-2021, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 trong năm 2025.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Sân bay Long Thành sẽ tạo nên động lực phát triển mạnh mẽ trong việc định hình, xây dựng đô thị trước mắt và cả lâu dài vì mọi hướng kết nối đều tập trung vào khu vực này. Đồng Nai đang định hướng vùng xung quanh Sân bay Long Thành bao gồm phần ngoại vi mở rộng kết nối đến Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom trở thành thành phố sân bay.

Tỉnh đã cử các đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng thành phố xung quanh sân bay từ các nước tiên tiến trên thế giới để làm cơ sở cho việc tiếp thu, ứng dụng tại Đồng Nai sau này. Nhiều tập đoàn, quốc gia trên thế giới cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu và đề đạt mong muốn được phối hợp, đầu tư cùng tỉnh trong việc quy hoạch, định hình xây dựng đô thị sân bay theo mục tiêu mà tỉnh đã lựa chọn.

“Kinh nghiệm cho thấy việc phát triển đô thị thường gắn liền với phát triển hạ tầng. Trong tương lai, các đô thị của Đồng Nai, đặc biệt là những đô thị mới cần bám với các tuyến giao thông huyết mạch để phát triển đô thị. Đơn cử như huyện Long Thành đang phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2020 thì trục phát triển chính của huyện phải là dọc quốc lộ 51, đường 769 cũng như lợi thế từ sân bay…” – Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định như trên trong ngày thị trấn Long Thành được công nhận đô thị loại IV.

Hướng đến chuỗi đô thị xanh, thông minh

Mẫu số chung định hình phát triển mà các đô thị trong tỉnh đều hướng tới là xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Nỗ lực cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị là điều mà các địa phương đang tiếp tục thực hiện.

TP.Biên Hòa – trung tâm đô thị, kinh tế chính của tỉnh – là địa phương đã phát triển lâu đời và gặp nhiều trở ngại trong phát triển đô thị trong những năm qua, đặc biệt là vấn nạn kẹt xe, ngập nước… Thành phố đang nỗ lực giải quyết những vấn đề vướng mắc. Hàng loạt công trình giao thông nội vi thành phố như cầu vượt, hầm chui đã phần nào giảm tải được tình trạng ùn tắc giao thông. Hệ thống thoát nước cũng không còn là “ám ảnh” quá lớn như thời gian trước đây vì đã được tăng cường đầu tư, giải quyết.

TP.Biên Hòa cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư tuyến đường ven sông Cái, đường trục trung tâm hành chính thành phố, đường ven sông Đồng Nai… và di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Dự kiến sau khi di dời, khu vực này sẽ trở thành trung tâm hành chính của tỉnh và khu đô thị dịch vụ, thương mại có tính kết nối vùng.

Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết thêm: “Thành phố đang triển khai ứng dụng phát triển đô thị thông minh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đô thị về quản lý, giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững”.

Đối với Long Khánh, dù đã được nâng cấp lên thành phố nhưng nguồn lực phát triển vẫn còn hạn chế. Thành phố đang xây dựng đồ án quy hoạch đô thị để có những định hướng phát triển, tập trung nguồn lực thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng. Thành phố sẽ có các tuyến đường giao thông kết nối với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, quốc lộ 1 và quốc lộ 20 cũng như giao thông đối nội. Đặc biệt, sẽ có tuyến đường tránh thành phố nhằm mở rộng không gian, quỹ đất, tạo trục phát triển mới cho Long Khánh, tương tự như hiệu quả mà tuyến tránh Biên Hòa đã mang lại trong những năm gần đây.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Hồ Văn Nam cũng cho hay, trong những năm tới, tạo mảng xanh đô thị sẽ là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, TP.Long Khánh sẽ tập trung mở rộng các công viên cây xanh theo quy hoạch, gắn hướng phát triển du lịch của thành phố theo mô hình sinh thái, văn hóa và nông nghiệp đô thị…

Tương tự, đối với Long Thành, là đô thị đặc thù ven sân bay nên vấn đề định hình, cải tạo hạ tầng ngày càng trở nên quan trọng. Huyện xác định sẽ có 3 khu vực phát triển đô thị là thị trấn Long Thành hiện hữu, đô thị Phước Thái và đô thị Bình Sơn. Trong số đó, đô thị Bình Sơn gắn liền với quy hoạch tái định cư cho sân bay, hiện Long Thành đang kêu gọi đầu tư để xây dựng các tuyến giao thông kết nối giữa các khu vực đô thị này.

Mới đây, huyện Long Thành cũng đã kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư mở rộng đường 769 với lộ giới lên tới 45m, là cơ sở quan trọng phát triển đô thị chung toàn huyện, gắn với khu dân cư, tái định cư phục vụ hàng chục ngàn người dân vùng “lõi” Sân bay Long Thành.

Hương Giang – Vương Thế theo báo Đồng Nai


Viewing all articles
Browse latest Browse all 682

Trending Articles