Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu dự án đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự kiến vào cuối năm nay. Đáng chú ý, báo cáo đã đưa ra 3 phương án đầu tư cho dự án trọng điểm quốc gia này.
Đầu tư sân bay quốc tế Long Thành Phương án nào lợi nhất ?
Theo đó, Phương án 1: Sử dụng vốn vay ODA do ngân sách cấp phát hoặc cho vay lại.
Phương án 2: Giao cho Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam làm nhà đầu tư, không sử dụng vốn vay ODA mà đầu tư trực tiếp bằng vốn của doanh nghiệp. Phương án này cũng đưa ra 2 sự lựa chọn: Một là sẽ chỉ có Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam thực hiện; hai là sẽ thành lập một doanh nghiệp mới với tỷ lệ vốn chi phối của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, kết hợp với các doanh nghiệp trong nước khác;
Phương án 3: Đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT.
Trong khi đó, theo Ban chỉ đạo dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Hiện Ban quản lý dự án huyện Long Thành đã phối hợp với Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường và Công ty thẩm định giá Đồng Nai xây dựng dự toán kinh phí thực hiện để tổ chức lựa chọn tư vấn xác định giá đất bồi thường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể sẽ có 2 gói thầu gồm: gói thầu số 1 xác định giá đất cụ thể của hơn 1.300 ha đất thuộc địa bàn các xã Long An, Bình Sơn và Long Phước cũ, nay là xã Bình Sơn. Gói thầu số 2 xác định giá đất của gần 1.740 ha đất thuộc địa bàn 3 xã Long An, Cẩm Đường và Bàu Cạn cũ, nay thuộc xã Bình Sơn. Ban Quản lý dự án huyện Long Thành đang hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của các sở, ngành để trình thẩm định phê duyệt theo quy định. Sau khi được phê duyệt dự toán, UBND huyện Long Thành sẽ trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác thẩm định giá đất các khu vực trên. Dự kiến, thời gian đấu thầu là 45 ngày kể từ ngày kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt.