Song song với công tác giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng hạ tầng dự án Sân bay quốc tế Long Thành, một vấn đề quan trọng khác mà Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) và Ðồng Nai rất quan tâm là việc kết nối giao thông từ Sân bay quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động đến các đô thị lân cận, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Bộ GT-VT đang cùng với các đơn vị tư vấn và các địa phương liên quan khảo sát tìm giải pháp để kết nối đi và đến Sân bay quốc tế Long Thành. Theo đó, sẽ xây dựng một đề án riêng về giao thông kết nối để trình Chính phủ phê duyệt song song với Báo cáo khả thi dự án Sân bay quốc tế Long Thành vào tháng 6-2019.
Phải xây dựng giao thông kết nối đồng bộ
Nằm ở vị trí trung tâm, Sân bay quốc tế Long Thành có lợi thế liền kề với các tuyến đường bộ, đường cao tốc lớn của khu vực như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Quốc Lộ 51.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề kết nối từ các tuyến giao thông này vào dự án vẫn đang được các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án cụ thể.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Ðồng Nai Trịnh Tuấn Liêm, để chuẩn bị cho việc kết nối sân bay vào các đường hiện hữu, Ðồng Nai đã chủ động điều chỉnh quy hoạch cục bộ về GT-VT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy hoạch 2 tuyến đường kết nối bao gồm tuyến giao thông số 1 dài khoảng 3,8km nối từ Quốc Lộ 51 vào Sân bay quốc tế Long Thành và tuyến số 3 nối từ sân bay đến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Theo dự kiến, đây sẽ là 2 tuyến đường phía Bắc và phía Nam ra vào sân bay làm nhiệm vụ kết nối đến các tuyến đường giao thông liên tỉnh.
Cũng theo ông Liêm, hiện nay cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đang ngày càng quá tải và tốc độ lưu thông chậm, khi sân bay đưa vào hoạt động chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông. Do đó tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT cho mở rộng đường cao tốc này lên từ 10 – 12 làn xe so với 4 làn như hiện nay.
Về phương án kết nối giao thông với Sân bay quốc tế Long Thành, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã xác định 3 tuyến đường kết nối trực tiếp vào sân bay là Quốc Lộ 51 đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và tuyến đường phía sau sân bay ra đường vành đai 4. Ðây là 3 tuyến đường chính rất quan trọng để từ TP. Hồ Chí Minh cũng như những đô thị lớn khác đến Sân bay quốc tế Long Thành.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Sân bay quốc tế Long Thành không thể phát huy được hết hiệu quả kinh tế – xã hội nếu giao thông kết nối không được thực hiện triệt để. Ðây cũng là hạn chế mà các sân bay lớn trong nước như Nội Bài, đặc biệt là Tân Sơn Nhất đã và đang gặp phải, do đó Bộ GT-VT sẽ phải triển khai xây dựng ngay một đề án kết nối giao thông để trình Chính phủ phê duyệt. “Tôi khẳng định lại là vấn đề kết nối giao thông rất quan trọng và sẽ được Bộ GT-VT giao cho cơ quan chuyên môn khẩn trường rà soát, lập phương án phù hợp. Do tầm quan trọng nên việc kết nối giao thông sẽ phải xây dựng riêng một đề án và sẽ trình Chính phủ song song với Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng hạ tầng sân bay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định tại buổi làm việc ngày 25-3 với Ðồng Nai để thúc đẩy tiến độ dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Sẽ có đường kết nối trực tiếp giữa Sân bay quốc tế Long Thành và Sân bay Tân Sơn Nhất
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trọng tâm kết nối giao thông sẽ là hướng tuyến từ các đô thị lân cận vào Sân bay quốc tế Long Thành, trong đó các tuyến về TP. Hồ Chí Minh là quan trọng nhất.
Từ nhận định trên, người đứng đầu Bộ GT-VT yêu cầu trong đề án kết nối giao thông với Sân bay quốc tế Long Thành phải đề xuất được một số trục giao thông kết nối thẳng từ sân bay này vào TP. Hồ Chí Minh qua đường bộ và đường sắt cũng như hình thành trục kết nối ngang để liên kết hệ thống các đường giao thông với các đô thị lớn trong khu vực như Bà Rịa Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương…
Ðặc biệt, sau khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được duy trì để làm vai trò là sân bay quốc nội cũng như một số tuyến quốc tế “chia lửa” cho Sân bay quốc tế Long Thành nên cần thiết phải có tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa 2 sân bay này. “Chúng tôi đang cho tư vấn nghiên cứu riêng 1 tuyến giao thông kết nối trực tiếp giữa Sân bay quốc tế Long Thành và Sân bay Tân Sơn Nhất. Sẽ có rất nhiều người nước ngoài sử dụng 2 sân bay làm nơi trung chuyển để đến các sân bay khác. Do đó, tuyến đường này phải tách riêng, không có các phương tiện khác lưu thông để tránh ùn tắc và không đi vào trung tâm TP. Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Văn Gia