Năm 2019-2020, ngành giao thông sẽ khởi công 3 dự án cao tốc Bắc Nam và 8 dự án khác đang làm thủ tục đầu tư.
Bộ trưởng GTVT: Cao tốc Bắc-Nam áp dụng tiêu chí mới khi chọn thầu
“Trong đấu thầu, Bộ GTVT sẽ đưa thêm các ràng buộc về chất lượng công trình đối với nhà thầu, yêu cầu đảm bảo tính công khai, trung thực, tránh trường hợp nhà thầu làm hồ sơ đẹp nhưng thực tế thiết bị không đáp ứng… chúng tôi mong muốn các nhà thầu hiểu rằng đã làm hồ sơ dự thầu chính là cam kết với Nhà nước, với nhà đầu tư”.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi chia sẻ về những công việc phải làm, những tiêu chí mới trong lựa chọn nhà thầu đối với siêu dự án Cao tốc Bắc-Nam phía đông.
Xin Bộ trưởng chia sẻ về bức tranh toàn cảnh ngành giao thông trong năm 2018 vừa qua. Những việc đã làm được và những việc chưa làm được?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2018 là năm hết sức khó khăn của ngành giao thông. Yêu cầu của xã hội, người dân, chúng tôi nhận trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, với mục tiêu tạo đột phát cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Hai dự án trọng điểm lớn nhất hiện nay của ngành giao thông là đường cao tốc Bắc-Nam phía đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cả hai dự án này đều đã được Quốc hội thống nhất chủ trương, Bộ GTVT đang thực hiện, các giai đoạn đều đang được kiểm soát tốt về tiến độ và thời gian, đáp ứng được yêu cầu triển khai công việc tiếp theo.
Năm 2018, Bộ GTVT đã thực hiện đúng kế hoạch về công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, các Thông tư hướng dẫn. Công việc này chúng tôi nhận thức rằng rất quan trọng bởi giúp khơi thông nguồn vốn để phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông toàn quốc cũng như phát triển vận tải.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã và đang thực hiện, Bộ GTVT vẫn còn một số việc chưa làm được mà chúng tôi phải thẳng thắn nhìn nhận như chậm tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bởi chúng tôi nhận thức rằng, đây là Nghị định rất lớn, tác động trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp và nhiều mặt khác nữa. Vào những ngày sát Tết Nguyên đán, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ Nghị định 86 sửa đổi với định hướng quản lý hoạt động của mô hình gọi xe qua ứng dụng (như Grab) nhưng không đi ngược lại xu hướng Cách mạng 4.0.
Tôi cho rằng, nếu có thể “phủ sóng” toàn bộ việc ứng dụng công nghệ đối với tất cả các doanh nghiệp taxi truyền thống, ngành vận tải sẽ phát triển nhanh chóng, vừa có thể quản lý chặt theo quy định pháp luật, vừa có lợi cho người tiêu dùng, giảm chi phí cho xã hội.
Năm 2018 cũng là năm mà việc kéo giảm 3 chỉ tiêu về tai nạn giao thông chưa đạt nhiệm vụ Chính phủ giao khi số người chết vì các vụ tai nạn giao thông chỉ giảm 0,4%, còn cách quá xa mục tiêu giảm 5%. Chúng ta đều nhìn thấy những vụ tai nạn thương tâm trong những ngày cuối năm vừa qua diễn biến vô cùng phức tạp. Đây là hồi chuông để năm 2019 ngành giao thông vào cuộc với tâm thế khẩn trương hơn, năng động hơn và sát sao trong công tác quản lý hơn.
Được biết, cao tốc Bắc-Nam đang đi vào giai đoạn nước rút để chuẩn bị khởi công những dự án đầu tiên trong năm 2019. Xin Bộ trưởng cho biết tiến độ của siêu dự án này đang đến đâu?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Năm 2019 là năm bản lề, Bộ GTVT phải tập trung sức lực, trí lực để triển khai ra thực địa dự án này. Hiện chúng tôi đang đấu thầu, lập hồ sơ thiết kế, tháng 2/2019 sẽ hoàn thành hồ sơ thiết kế và lập dự toán, sau đó tiến hành đấu thầu công khai theo luật. Sau khi có tư vấn trúng thầu, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác thiết kế, GPMB cho từng dự án.
Tháng 4/2019, chúng tôi sẽ tiến hành bàn giao mốc GPMB mặt bằng cho địa phương. Từ tháng 4 đến cuối năm 2019 các địa phương sẽ GPMB, chọn những đoạn ít ảnh hưởng để thực hiện trước, đồng thời cho các đoạn đủ điều kiện đấu thầu xây lắp. Còn các đoạn vướng nhiều có thể chậm hơn nhưng chúng tôi vẫn đặt ra mục tiêu năm 2019 giải ngân 50% vốn GPMB mà Quốc hội đã bố trí (khoảng 100.000 tỷ).
Còn với 3 dự án vốn ngân sách, Bộ GTVT sẽ khởi công trong năm 2019. 8 dự án thực hiện theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) dự kiến đến tháng 9/2019 hoàn thành sơ tuyển nhà đầu tư, cuối năm đấu thầu để khởi công xây dựng trong các năm 2020, 2021.
Trong suốt quá trình chỉ đạo, Bộ trưởng rất chú trọng đến việc lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Xin hỏi tại sao Bộ trưởng lại quan tâm đến đội ngũ tư vấn mà rất ít nhắc đến nhà thầu, trong khi các dự án đường bộ gặp vấn đề về chất lượng, công trình phần lớn lỗi do nhà thầu?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cao tốc Bắc-Nam tuyến phía đông mới đang ở giai đoạn lập dự án, chưa đến giai đoạn đấu thầu. Chúng tôi hiểu rằng để công trình đạt chất lượng tốt thì tất cả các khâu đều phải tốt, từ lúc lập dự án để tránh lãng phí, tránh các vấn đề kỹ thuật. Những vấn đề trong năm 2018 đối với tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là bài học sâu sắc với toàn ngành giao thông.
Do vậy, trong đấu thầu sắp tới chúng tôi sẽ đưa thêm các ràng buộc về chất lượng công trình đối với nhà thầu, yêu cầu đảm bảo tính công khai, trung thực, tránh trường hợp nhà thầu làm hồ sơ đẹp nhưng thực tế thiết bị không đáp ứng… chúng tôi mong muốn các nhà thầu hiểu rằng đã làm hồ sơ dự thầu đó chính là cam kết với Nhà nước, với nhà đầu tư.
Về tư vấn, tôi cho rằng, tư vấn tham mưu tốt, đánh giá tốt thì công trình mới tốt. Vừa rồi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng “nhắc nhở” Bộ GTVT phải lựa chọn đơn vị tư vấn trong nước, quốc tế có đủ năng lực đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt, phức tạp. Trên thực tế, tôi đánh giá tư vấn trong nước không thua kém gì tư vấn nước ngoài, tuy nhiên, có một số lĩnh vực tư vấn nước ngoài họ làm tốt hơn mình do chúng ta chưa có kinh nghiệm, ví dụ trong lĩnh vực đường sắt.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, khi đấu thầu dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông và cả những dự án BOT tiếp theo, Bộ GTVT sẽ có cách làm mới, chú trọng việc xem xét kỹ chất lượng nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công.
Được biết, năm 2019 Bộ GTVT sẽ phát đi hồ sơ mời thầu trong nước và quốc tế. Theo Bộ trưởng, dự án cao tốc Bắc-Nam có hấp dẫn đầu tư quốc tế không? Đã có nhà đầu tư ngoại nào ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cao tốc Bắc-Nam khác với cao tốc khác vì thực hiện đấu thầu quốc tế, dự án có kinh phí lớn đòi hỏi tư vấn phải mạnh, Bộ GTVT đã chỉ đạo, dự án phải có từ 2-3 tư vấn, trong đó có 1 tư vấn chính chịu trách nhiệm về toàn bộ dự án.
Chúng tôi không chấp nhận 1 gói thầu sử dụng nhiều tư vấn vì chia manh mún, không đồng bộ, đội ngũ tư vấn không chất lượng sẽ không đáp ứng được yêu cầu. 8 dự án PPP (8 gói thầu) đến tháng 2 sẽ xét thầu sẽ yêu cầu tối đa 3 nhà thầu tư vấn. Việc tuyển chọn thầu tư vấn sẽ được đánh giá qua các dự án mà nhà thầu đấy đã từng làm để xem xét chất lượng.
Công tác đấu thầu tư vấn cũng yêu cầu kinh phí cũng rất lớn, hồ sơ sử dụng song ngữ để đấu thầu quốc tế, các tư vấn này sau này phải làm việc với các nhà thầu nước ngoài nên phải có trình độ chuyên môn vững vàng, thông thạo ngoại ngữ và luật pháp quốc tế.
Tôi xin nhấn mạnh lần nữa, đội ngũ tư vấn chất lượng, công tâm mới có thể hoàn thành dự án tốt. Nhất là khi chúng ta đấu thầu quốc tế dự án này thì thầu tư vấn còn quan trọng hơn rất nhiều.
8 dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) sẽ đấu thầu quốc tế trong thời gian tới chắc chắn không có sự điều chỉnh giá của Nhà nước, Bộ GTVT chỉ quản lý việc thu giá, khung giá đã được Quốc hội thông qua khi xin chủ trương. Cao tốc Bắc-Nam phía đông sẽ là mẫu để thực hiện các dự án khác. Chúng tôi đang nỗ lực và hy vọng dự án sẽ thu hút các nhà đầu tư ngoại bằng chính sách ổn định của Việt Nam.
Bộ trưởng đã ở vị trí tư lệnh ngành giao thông 14 tháng. Xin Bộ trưởng chia sẻ những cảm nghĩ, những trăn trở về ngành với Báo điện tử Chính phủ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GTVT tính đến thời điểm này là 14 tháng, ngoài việc quản lý ngành, chúng tôi còn thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có 2 dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành.
Cả hai dự án này đều chưa khởi công, tất cả các đơn vị chuyên môn của Bộ GTVT đang dồn toàn lực để thực hiện khối lượng công việc rất lớn, theo đúng trình tự xây dựng cơ bản được pháp luật quy định. Chúng tôi làm những việc này hoàn toàn thầm lặng, tận tâm, tận lực bởi chúng tôi hiểu rằng, nhân dân đang chờ đợi những con đường tốt, những sân bay hiện đại phục vụ giao thương, phát triển kinh tế.
Tôi không muốn nói quá nhiều mà chỉ muốn chứng minh bằng hành động, bằng việc làm, bằng những công trình giao thông chất lượng, bằng việc xây dựng những chính sách phù hợp lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là đầu tư xây dựng và nâng cao điều kiện bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể, rà soát, nâng cấp, cải tạo các đầu mối vận tải hành khách (bến xe khách loại 3 trở lên, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không, trạm dừng nghỉ đường bộ), bảo đảm bố trí tối ưu các khu chức năng, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi phục vụ hành khách (gồm cả hành khách là người khuyết tật).
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung hệ thống biển chỉ dẫn giao thông, thông tin du lịch trên các tuyến đường bộ xuyên Á, các tuyến đường bộ chính yếu dẫn đến các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm lưu trú du lịch, khu du lịch; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa.
Đồng thời, rà soát, cải tạo hệ thống đường ngang đường sắt; kiên quyết xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư, thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; rà soát, bố trí các điểm đón, trả khách, bến, bãi đỗ xe phục vụ phương tiện vận tải khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch. Bảo đảm quỹ đất dành cho phát triển giao thông theo quy định, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch.
Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến đường bộ chính yếu (cao tốc Bắc-Nam phía Đông…), các tuyến đường sắt phục vụ phát triển du lịch (tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt…); cải tạo luồng tuyến các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra các đảo phát triển du lịch (Cô Tô, Cát Bà, Phú Quốc…).
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng một số đầu mối vận tải hành khách với cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ tiện nghi kết nối thông suốt, an toàn đến các vùng du lịch như: Các bến xe khách du lịch có quy mô lớn tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của các vùng du lịch; các cảng, bến hành khách thủy nội địa, cảng biển hành khách quốc tế tại các địa phương phát triển du lịch như: Quảng Ninh (Hạ Long), Hải Phòng (đảo Cát Bà), Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế (Chân Mây), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang (đảo Phú Quốc)…; các trạm dừng nghỉ đường bộ trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài.