Dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu gặp khó khăn song những bất động sản như kho bãi hậu cần, kho lạnh,… vẫn tăng trưởng nhanh, dẫn đầu các kênh hút vốn đầu tư.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo “Sự trỗi dậy của những loại hình bất động sản công nghiệp giữa đại dịch” và chỉ ra những nhóm tài sản có tiềm năng tăng trưởng cao, đang dẫn đầu danh mục hút vốn đầu tư toàn cầu năm 2021.
Kho bãi hậu cần – Bất động sản logistics
Dịch vụ hậu cần kho bãi (logistics) đang đứng đầu trong các danh mục đầu tư năm nay bất chấp Covid-19 diễn biến khó lường ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đại dịch là một chất xúc tác cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy thị phần thương mại điện tử của ngành bán lẻ tăng lên ở tất cả thị trường trên toàn thế giới. Logistics là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên này. Các ước tính cho rằng, sau đại dịch, chi tiêu bán lẻ trực tuyến ở Tây Âu sẽ tăng 442 tỷ Euro vào năm 2025. Cứ thêm 1 tỷ Euro doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ tạo ra nhu cầu trung bình 75.000 m2 diện tích nhà kho. Như vậy, đến năm 2025, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong khu vực sẽ tăng thêm 33,2 triệu m2 nhu cầu kho bãi.
Dù được các nhà đầu tư dành rất nhiều ưu ái cho thị trường kho bãi hậu cần, song nguồn cung logistics hiện tại là không đủ cho nhu cầu đang bùng nổ giữa đại dịch. Phần lớn nguồn cung nằm trong tay các nhà quản lý và nhà phát triển khu vực và toàn cầu như Prologis, GLP hoặc Crow Holdings. Những công ty này có quỹ đất lớn và có một lượng cổ phiếu khổng lồ, nhưng họ lại hiếm khi bán chúng, hoặc chỉ bán cho một trong những quỹ đầu tư bất động sản của chính mình.
Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, bất động sản kho bãi hậu cần là một trong những thị trường ngách mới nổi với nhiều cơ hội tăng trưởng. Tại Việt Nam, lợi suất đầu tư vào nhóm tài sản logistics dao động 9-11%, khá lý tưởng so với các thị trường đã định hình và phát triển sớm.
Kho lạnh (Dịch vụ lưu trữ, thuê kho bãi)
Kho lạnh là một phần chuyên biệt của chuỗi cung ứng, sử dụng các nhà kho kiểm soát nhiệt để lưu trữ và vận chuyển thực phẩm hoặc vật tư y tế, chẳng hạn như vaccine. Dữ liệu nghiên cứu thị trường từ Research & Markets ước tính rằng 7,9 tỷ USD đã được đầu tư để phát triển kho bảo quản lạnh trên toàn cầu vào năm ngoái, con số này sẽ tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2027, do sự thúc đẩy của nhu cầu mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến và giảm lãng phí thực phẩm.
Hiện nay trên thế giới, các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng nghiêm ngặt hơn và đang hướng đến chuỗi cung ứng thực phẩm để giảm lãng phí thực phẩm, từ đó thúc đẩy nhu cầu về kho lạnh. Đối với các nhà đầu tư, kho lạnh mang lại lợi suất cao hơn 50-100 điểm cơ bản so với các cơ sở hậu cần khô, và do chi phí lắp đặt cao nên người thuê thường luôn sẵn sàng ký hợp đồng thuê dài hạn. Nhu cầu giao hàng nhanh chóng của người tiêu dùng đã làm tăng nhu cầu về các kho hậu cần ở chặng cuối (last-mile logistics warehouse), nằm ở gần vị trí của khách hàng.
Trung Tín