Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khởi công giai đoạn 1 vào ngày 5/1/2021. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành trong cả nước ngày 29-12. Đây là dự án đặc biệt quan trọng.
“Năm 2021, Việt Nam sẽ khởi công 8 dự án quan trọng, trong đó có Sân bay Long Thành dự tính sẽ khởi công vào đầu năm tới. Tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng lưu ý các bộ, ngành phối hợp tốt với các địa phương để hoàn tất hồ sơ đầu tư các đường cao tốc, đường vành đai ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Giao thông kết nối sẽ giúp cho việc thu hút đầu tư vào các tỉnh, thành tốt hơn.
Trước đó, vào giữa tháng 11/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1777/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng này đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Long Thành là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Cảng Long Thành giai đoạn 1 có 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm với tổng diện tích sàn 373.000m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4.664,89 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Tại quyết định, dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần bao gồm dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không; dự án thành phần 4 – các công trình khác.
Riêng với dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV bao gồm hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ôtô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hoá số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV khẳng định đơn vị sẽ triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư.
Theo lãnh đạo ACV, Cảng hàng không Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các Cảng hàng không quốc tế tiên tiến trên thế giới.
“Các hạng mục công trình thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được xây dựng đồng bộ bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mục tiêu, quy mô, công suất, chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ,” người đứng đầu ACV cho hay.
Đề cập đến việc huy động nguồn vốn khổng lồ cho siêu dự án này, ông Thanh tiết lộ, ACV hiện có 29.225 tỷ đồng tiền mặt và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020-2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng. Số vốn còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế…
“Hiện nay, có 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động. Như vậy, dù gặp phải khó khăn do dịch COVID-19, ACV vẫn ưu tiên đảm bảo đầy đủ nguồn lực tài chính cho dự án,” Chủ tịch ACV thông tin thêm.
Phan Anh