Cùng với hệ thống các công trình giao thông của Trung ương, của tỉnh, H.Nhơn Trạch đang đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông nhằm gỡ “điểm nghẽn” cho phát triển công nghiệp, dịch vụ; logistics, du lịch, hình thành nên các khu đô thị thương mại, khu dân cư tập trung, từ đó giúp H.Nhơn Trạch “kéo” người dân đến sinh sống lâu dài.
Việc đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối sẽ giúp H.Nhơn Trạch mở ra các trục phát triển cả đường bộ, đường cao tốc và đường thủy. Đây là lợi thế lớn để đô thị mới phía Tây Nam của tỉnh phát triển.
“Đa trục” phát triển
Trên địa bàn H.Nhơn Trạch có hơn 30 dự án hạ tầng lớn, nhỏ được triển khai. Các công trình này hoàn thành sẽ giúp địa phương định hình được các trục phát triển kinh tế – xã hội, sớm đưa H.Nhơn Trạch trở thành đô thị động lực của tỉnh và đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, vài năm trở lại đây, vấn đề hạ tầng giao thông trên địa bàn H.Nhơn Trạch đang từng bước được tháo gỡ. Cụ thể, từ năm 2015, H.Nhơn Trạch đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn; các trục đường chính và trục đường đô thị tương lai được nâng cấp, mở rộng. Trong đó có đường có 319 được xem là tuyến đường tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của huyện đang trong quá trình tăng tốc và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020.
“Đường 319 xuyên qua hầu hết các khu công nghiệp của H.Nhơn Trạch, đi qua các tuyến 25A, 25B và 25C, kết nối trực tiếp với 2 đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành tạo ra các trục phát triển. Ngoài ra, tuyến đường này cũng được đấu nối với cảng Phước An, cảng Cát Lái tạo thuận lợi giao thông đường thủy liên vùng” – ông Mỹ cho hay.
Săp tới, đô thị Nhơn Trạch được hưởng lợi nhiều hơn từ 2 dự án hạ tầng kết nối trực tiếp với TP.HCM là đường Vành đai 3 và Cầu Cát Lái. Trong đó, cầu Cát Lái có vai trò đặc biệt quan trọng đối với giao thương kinh tế và phát triển đô thị thành phố mới. Nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại; du lịch giải trí đang chờ “cất cánh” theo cây cầu này.
Theo Chủ tịch UBND huyện, trong 5 năm tới, H.Nhơn Trạch sẽ có các trục phát triển: trục ra quốc lộ 51 với các tuyến chính là: 25A, 25B và 25C; trục Nhơn Trạch đi cao tốc TP.HCM – Long Thành – Giầu Dây; trục Nhơn Trạch đi cao tốc Bến Lức – Long Thành; trục cảng Phước An – cảng Cái Mép; trục đường Vành đai 3 và xa hơn có trục cầu Cát Lái.
“Các trục này sẽ phá bỏ thế độc đạo trong giao thương kinh tế nhiều năm nay ở H.Nhơn Trạch, tạo sức bật cho lưu thông hàng hóa, phát triển công nghiệp và đô thị. Trong đó, cầu Cát Lái và đường Vành đai 3 kết nối với TP.HCM được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư; là động lực kéo theo hàng loạt các dự án bất động sản lớn, nhỏ giúp H.Nhơn Trạch gỡ “điểm nghẽn” về phát triển đô thị” – Chủ tịch UBND huyện Lê Thành Mỹ cho hay.
Tạo nền tảng cho phát triển đồng bộ
Lãnh đạo H.Nhơn Trạch cho rằng, sự phát triển về hạ tầng giao thông đang mở ra nhiều cơ hội cho người dân, doanh nghiệp thông thương và phát triển; làm động lực để H.Nhơn Trạch có những bước phát triển nhanh và bền vững, sớm trở thành thành phố mới theo phê duyệt của Chính phủ.
Cụ thể, nền tảng hạ tầng đã giúp H.Nhơn Trạch từ chỗ đi sau về phát triển công nghiệp nay trở thành địa phương dẫn đầu về số khu, cụm công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn Nhơn Trạch làm điểm đến, quá trình hoạt động liên tục mở rộng. Hiện tại, H.Nhơn Trạch có 9 khu và 1 cụm công nghiệp, thu hút gần 500 dự án, tạo việc làm cho hơn 110 ngàn lao động. Tỷ lệ cho thuê đất trong các khu công nghiệp đạt hơn 90% và 100% các khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải. Các khu công nghiệp tập trung chủ yếu tại khu vực lõi trung tâm huyện, tạo điều kiện cho đô thị hóa và nâng mật độ dân cư.
Sự đồng bộ về hạ tầng với các huyện trong tỉnh, các tỉnh trong khu vực cũng tạo đà cho “ngành công nghiệp không khói” ở H.Nhơn Trạch phát triển theo hướng khai thác lợi thế tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa. Hiện tại, H.Nhơn Trạch có các điểm du lịch sinh thái: Bò Cạp Vàng (xã Phước Khánh); Bằng Lăng Tím, Hương Đồng (xã Vĩnh Thanh); Tre Việt (xã Phú Hữu); làng bè Phước An; các khu di tích lịch sử, văn hóa: Địa đạo Nhơn Trạch (xã Long Thọ), Địa đạo Giồng Sắn (xã Phú Đông), Sở Chỉ huy đặc công Rừng Sác (xã Phước An)…
Theo H.Nhơn Trạch, địa phương đang triển khai gần 100 công trình nhà ở thương mại, đô thị dịch vụ, nhà ở xã hội ở trung tâm đô thị và các vùng ven nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nhập cư, các chuyên gia và lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. “Nỗ lực hoàn thiện hạ tầng về giao thông, y tế, trường học và hình thành các trục phát triển kinh tế là lợi thế để H.Nhơn Trạch thực hiện mục tiêu 600 ngàn dân theo tiêu chuẩn về mật độ dân đô thị loại II trong năm 2020” – ông Mỹ nhấn mạnh.
Sự phát triển nhanh về công nghiệp đã kéo theo ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa ở H.Nhơn Trạch phát triển. Theo quy hoạch, H.Nhơn Trạch có khu công nghiệp, dịch vụ hậu cần Cảng Phước An diện tích hơn 500ha, có đường liên Cảng Phước An – Cái Mép, đường kết nối các khu công nghiệp với 2 cao tốc qua địa bàn huyện và nhiều tuyến đường huyết mạch tạo đà cho H.Nhơn Trạch trở thành đô thị công nghiệp – cảng vệ tinh vùng TP.HCM. Trong tương lai, vận tải đường cao tốc và đường thủy sẽ giúp ngành dịch vụ logistics ở H.Nhơn Trạch phát triển mạnh.
Nam Vũ