Khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) hiện vẫn chưa có quy hoạch chung về xây dựng. Do đó, các xã vùng xung quanh dự án Sân bay Long Thành vẫn triển khai theo quy hoạch xã nông thôn mới đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, thực trạng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có nhiều điểm chưa thống nhất đang gây khó khăn cho người dân.
Qua tìm hiểu, các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch sân bay trên địa bàn huyện Long Thành đều mong muốn quy hoạch chung về xây dựng của huyện sớm được phê duyệt. Trong đó, cập nhật, lồng ghép quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng để thành một quy hoạch đồng nhất, tạo thuận lợi cho địa phương trong việc quản lý đất đai và để người dân dễ dàng hơn khi muốn thực hiện quyền lợi trên thửa đất của mình.
Nhiều bất cập trong quy hoạch
Hiện nay, đất đai khu vực xung quanh Sân bay Long Thành đang được thực hiện theo quy hoạch xã nông thôn mới đã được phê duyệt cách đây 5-6 năm. Trong quy hoạch xã nông thôn mới có những bất cập khiến cho công tác cấp phép thực hiện các công trình, dự án gặp vướng mắc người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin cấp phép xây dựng nhà ở bị ách tắc. Nguyên nhân là do giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có nhiều điểm bị “lệch pha” nhau nên nhiều công trình, dự án buộc phải dừng lại, đợi điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Bà Lê Thị Hòa, người dân xã Lộc An (huyện Long Thành) chia sẻ: “Trong quy hoạch sử dụng đất thì đất của gia đình tôi là đất ở nhưng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xin cấp phép xây dựng lại không được. Vì trong quy hoạch xây dựng vẫn là đất trồng cây lâu năm nên hồ sơ đành “ách lại”. Việc này khiến gia đình tôi rất khó khăn do không thể tiến hành xây dựng nhà ở được”. Trường hợp như bà Hòa đang xảy ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Long Thành.
Ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Đức (huyện Long Thành) cho biết: “Quy hoạch nông thôn mới của xã được phê duyệt từ năm 2014 và đến nay có nhiều biến động, không còn phù hợp với điều kiện thực tế nữa. Vì thế, xã rất mong quy hoạch vùng xung quanh sân bay của huyện được phê duyệt trong đó, điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác cho đồng bộ để tạo thuận lợi cho người dân địa phương, cũng như công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã”.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua, vì vướng mắc, lệch pha giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, một số hộ không xin cấp phép xây dựng được đã lén lút xây dựng trái phép. Địa bàn xã khá rộng với diện tích hơn 3 ngàn hécta, trải dài từ đầu xã đến cuối xã gần 10km nên quản lý rất khó khăn.
Đặc biệt, từ khi Chính phủ khởi động dự án Sân bay Long Thành cùng một số dự án giao thông lớn, thị trường đất đai Long Thành trở nên khá sôi động ở khu vực phía Nam. Tình trạng tách thửa, sang nhượng đất đai, xây dựng trái phép diễn ra khá phức tạp. Vì vậy, sớm có quy hoạch chung xây dựng vùng xung quanh sân bay sẽ giúp các xã, huyện gỡ được nhiều vướng mắc trong thực hiện các chính sách về đất đai, xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, việc triển khai các dự án cũng dễ dàng hơn.
Ồ ạt mua bán đất
Cơn sốt đất ở khu vực phía Nam đã lắng xuống từ đầu năm 2019, nhưng tại địa bàn huyện Long Thành, cơn sốt này vẫn còn khá “nóng” cùng các dự án hạ tầng lớn đang hoặc sắp triển khai. Các nhà đầu tư đất đai vẫn xem khu vực này là nơi “lướt sóng”, đem lại lợi nhuận hấp dẫn nên việc mua bán đất đai diễn ra liên tục. Tại những khu vực bên ngoài ranh giới quy hoạch Sân bay Long Thành, người dân tách thửa và sang nhượng đất đai tấp nập. Thực tế, đất đai tại nhiều khu vực ở huyện Long Thành đã tăng từ 50-300% so với cách đây 4 năm.
Ông Nguyễn Trọng Hùng ở xã Lộc An kể: “Hơn 4 năm trước, đất nông nghiệp ở xã Lộc An chỉ khoảng 400-800 triệu đồng/sào tùy theo vị trí, càng gần đường lớn giá càng cao. Tuy nhiên, giá đất hiện đã bị đẩy lên từ 1-2 tỷ đồng/sào, người mua chủ yếu là đầu tư đợi giá lên để bán ra. Người mua đất chủ yếu đầu tư để kiếm lời cho nên khi qua tay mỗi người, giá đất lại bị đẩy lên cao thêm”.
Theo quy định của UBND tỉnh, đất nông nghiệp khu vực nông thôn ở huyện Long Thành được phép tách thửa với diện tích tối thiểu 1 ngàn m2. Phó chủ tịch UBND xã An Phước, ông Phạm Nguyễn Hồ Vũ cho hay: “Với việc tách thửa, chuyển nhượng đất đai, người dân thường thực hiện trực tiếp tại huyện, ít thông qua xã nên công tác quản lý đất đai cũng khó khăn hơn. Đất đai tách thửa nhiều, qua tay nhiều người, do đó sau này thực hiện các công trình, dự án sẽ mất nhiều thời gian trong khâu xác định chủ đất và thu hồi đất”. Đất đai bị tách thửa, mua bán ồ ạt không chỉ gây khó cho việc quản lý, mà còn ảnh hưởng đến việc quy hoạch, mời gọi đầu tư những dự án lớn sau này.
Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức kiến nghị: “Huyện mong tỉnh sớm hoàn thành và phê duyệt quy hoạch chung xây dựng vùng xung quanh sân bay. Có quy hoạch sớm thì việc mời gọi các dự án trên lĩnh vực kinh tế – xã hội sẽ dễ dàng hơn. Doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án, công trình trên địa bàn huyện cũng có thể triển khai nhanh”.
Đồng thời, có quy hoạch chung về xây dựng thì việc đề xuất, cấp phép các dự án sẽ có sự liên kết tổng thể, sau này sẽ dễ dàng kết nối với các nơi khác trong tỉnh và gắn kết vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhiều lần nhấn mạnh, đối với khu vực xung quanh Sân bay Long Thành, cần phải quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng. Mục đích là để sau này mời gọi thực hiện các dự án lớn trên các lĩnh vực, khai thác tiềm năng từ sân bay mang lại.
Khánh Minh theo baodongnai