Ngoài các dự án đang triển khai, trong năm 2020, Đồng Nai sẽ tiến hành thu hồi đất thêm 145 dự án trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 700 hécta. Trong đó, có khoảng 10 dự án sẽ phải thu hồi diện tích đất khá lớn, từ 18-33 hécta.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, những dự án dự kiến sẽ thu hồi đất trong năm 2020 thuộc nhiều lĩnh vực, gồm: đường giao thông, khu dân cư, công trình thủy lợi. Các dự án cần thu hồi đất phần lớn nằm ở địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.
Trong 145 dự án có danh sách thu hồi trong năm 2020, có 61 dự án sử dụng đất trồng lúa, với diện tích đất trồng lúa là hơn 113 hécta. Tuy nhiên, các dự án sử dụng đất lúa rất ít, quy mô chỉ từ 0,3-2 hécta/dự án. Do đó, việc chuyển đổi đất lúa sang đất khác để triển khai dự án không gặp vướng mắc, khó khăn gì lớn.
Nhiều dự án thu hồi diện tích đất lớn
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông, thủy lợi, tái định cư cho các dự án. Do đó, nhiều nơi sẽ được thu hồi đất để triển khai các dự án. Những dự án có trong danh mục thu hồi đất của năm tới đều được tỉnh bố trí vốn để thực hiện.
Các dự án có diện tích đất phải thu hồi lớn nằm ở một số huyện, TP.Biên Hòa. Cụ thể, huyện Vĩnh Cửu có 2 dự án đều nằm xã Tân An là dự án nạo vét Rạch Đông với diện tích cần thu hồi hơn 33 hécta và dự án Khu dân cư Tân An có diện tích thu hồi đất hơn 23 hécta.
Tại huyện Nhơn Trạch, có 4 dự án phải thu hồi diện tích đất khá lớn gồm: dự án Khu dân cư quy hoạch ở xã Long Tân khoảng 30 hécta; dự án Khu dân cư đô thị Lành Mạnh ở xã Vĩnh Thanh 29 hécta; dự án Khu dân cư đô thị ở xã Long Tân gần 29 hécta; dự án Khu dân cư đô thị mới ở xã Long Tân – Phú Hội hơn 22 hécta.
Huyện Long Thành cũng có 3 dự án là: dự án Khu tái định cư Long Phước, xã Long Phước 32 hécta; dự án Khu tái định cư Long Đức ở xã Long Đức khoảng 30 hécta; dự án đường 25C (đoạn từ quốc lộ 51 đến hương lộ 19) đi qua xã Long Phước có diện tích phải thu hồi đất 21 hécta.
TP.Biên Hòa có 2 dự án gồm: dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) thuộc phường Bửu Long
(TP.Biên Hòa) có diện tích đất thu hồi gần 18 hécta và dự án đường trung tâm TP.Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn có diện tích đất cần thu hồi gần 27 hécta nằm trên địa bàn 2 phường Thống Nhất, Hiệp Hòa.
Huyện Tân Phú có 1 dự án phải thu hồi diện tích đất lớn là Trạm bơm Đắc Lua ở xã Đắc Lua khoảng 27,5 hécta.
Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Đặng Minh Đức cho biết: “Danh mục các dự án phải thu hồi đất trong năm 2020 đều phù hợp các quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Trước khi phê duyệt các dự án trên, Sở đã phối hợp cùng các địa phương rà soát kỹ, với những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được bố trí vốn mới đưa vào danh mục thu hồi đất”. Như vậy trong thời gian tới, các dự án có trong danh mục thu hồi đất sẽ không lo thiếu vốn để triển khai.
Lường trước khó khăn
Hầu hết lãnh đạo các huyện và TP.Biên Hòa – những nơi có nhiều dự án phải thu hồi đất với diện tích lớn – đều nhận định, việc thu hồi đất trong năm tới sẽ rất khó khăn. Nguyên nhân là do giá đất các khu vực này đều đang ở mức cao, đất nông nghiệp giao dịch trên thị trường từ 4-10 triệu đồng/m2, đất ở từ 20-100 triệu đồng/m2 (tùy theo từng vị trí), trong khi giá đất bồi thường còn thấp hơn so với giá thị trường.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho hay: “Giá đất tại TP.Biên Hòa thời gian qua tăng rất cao, do đó các dự án phải thu hồi đất của người dân thường gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời gian qua, có không ít dự án trọng điểm của thành phố vì vướng mắc ở khâu bồi thường mà kéo dài tiến độ mấy năm liền chưa hoàn thành như: Dự án bờ kè sông Cái, dự án nạo vét suối Chùa, Bà Lúa…”. Tại những khu vực trên, đất đai vẫn trong cơn “sốt giá” nên các đơn vị tính toán giá đất bồi thường cho các dự án cũng gặp trở ngại, vì rất khó để xây dựng giá đất bằng với giá thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương đánh giá: “Các dự án trên địa bàn huyện trong thời gian qua chủ yếu vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Trong đó, một số người dân chưa đồng thuận giao đất là vì cho rằng, giá bồi thường thấp so với giá đất giao dịch ngoài thị trường”.
Theo nhiều hộ dân bị thu hồi đất làm dự án, họ sẵn sàng chấp thuận giao đất nhanh để triển khai dự án với điều kiện, giá bồi thường không quá thấp so với giá đất trên thị trường. Đồng thời, những hộ bị giải tỏa trắng phải được bố trí tái định cư ở cùng phường, xã nơi họ đang sinh sống.
Theo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án cần thu hồi đất với diện tích lớn nhưng bị chậm lại do vướng vào khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng khiến dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và giải ngân vốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều người dân chưa đồng ý giao đất vì cho là giá bồi thường quá thấp so với giá đất chuyển nhượng ngoài thị trường. Về việc này, đồng chí Nguyễn Phú Cường đã có chỉ đạo, các huyện, thành phố, đặc biệt là Trung tâm phát triển quỹ đất huyện, thành phố nơi được giao trực tiếp tính toán giá đất bồi thường phải chú ý tính toán mức bồi thường cho phù hợp, không để người dân bị thu hồi đất bị thiệt thòi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người dân cố tình đòi giá bồi thường quá cao, theo giá đất đang “sốt”, gây khó cho cơ quan chức năng thì cần vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận, vì không tỉnh, thành nào có thể bồi thường giá đất theo giá thị trường đang “sốt”.
Hương Giang