Quantcast
Channel: NET88MAX.COM
Viewing all articles
Browse latest Browse all 682

Sân bay Long Thành có hiệu quả kinh tế cao nhưng băn khoăn tiến độ

$
0
0

Sáng 12/11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Dự án được đánh giá có hiệu quả kinh tế rất cao, song cũng có các ý kiến bày tỏ lo lắng, băn khoăn về tiến độ thu hồi đất, đền bù, tái định cư, dẫn đến khả năng đội vốn trong quá trình thực hiện.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành có hiệu quả kinh tế cao

Theo báo cáo, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 khoảng 4,779 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.

Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh hơn 1 tỷ USD đã có.

Bộ GTVT cho rằng việc giao cho ACV đầu tư, khai thác là hợp lý, ngoài đơn vị này khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia.

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng giải trình đối với ý kiến của các đại biểu về dự án này.

bo-truong-nguyen-van-the
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng cho biết, sân bay Long Thành sẽ được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất hiện nay. “Trong quá trình thực hiện nếu có công nghệ mới tốt hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, cập nhật, đảm bảo khi sân bay vận hành, thiết bị đấy phải hiện đại nhất trong thời điểm đó” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Không có một sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là trong giai đoạn 1, giai đoạn 2.

“Hiệu quả kinh tế của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rất cao. Các tổ chức nước ngoài hoàn toàn yên tâm khi hỗ trợ ACV” – Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cũng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội về việc huy động nguồn lực trong nước trước – chỉ khi nào nguồn lực trong nước không đảm bảo mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài.

Bộ trưởng cho biết, khi sân bay này vừa hoàn thành có thể đạt ngay 20 – 25 triệu khách/năm. Những sân bay khác như Cần Thơ, xây xong 10 năm mới có 1 triệu khách/năm. Lượng khách qua sân bay Vân Đồn trong năm đầu cũng rất thấp. Riêng sân bay Long Thành vừa xây xong sẽ đảm bảo lượng khách tới 25 triệu khách/năm. Đến 2030, con số này sẽ là 85 triệu khách/năm. Tổng công suất của Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 có thể lên tới 100 triệu khách/năm. Chính vì thế, phía tư vấn đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án rất cao.

Phân tích kỹ để xem xét, quyết định

Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 của Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định thì việc Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 trước khi quyết định đầu tư là phù hợp.

Tuy nhiên, để Quốc hội có cơ sở thông qua thì Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) quốc gia phải có báo cáo đầy đủ các nội dung và chỉ tiêu cụ thể. Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội chỉ xem xét quyết định các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và những nội dung quan trọng của dự án. Sau khi HĐTĐ có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định đầu tư dự án giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật.

Về tổng mức đầu tư, hình thức đầu tư và phương án huy động vốn, Báo cáo thẩm tra cho rằng, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 4,779 tỷ USD, tương đương 111.689 tỷ đồng (chưa bao gồm hạng mục 4b là hạng mục xã hội hóa).

Tuy vậy, nhiều hạng mục tính toán mới dừng ở mức thiết kế sơ bộ, có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư khi chuẩn xác hóa. Do đó, đề nghị rà soát để tránh gây biến động lớn tổng mức đầu tư dự án.

HĐTĐ cũng đề xuất, do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, HĐTĐ sẽ có ý kiến thẩm định cụ thể sau khi có kết quả thẩm tra cuối cùng của Tư vấn thẩm tra trong bước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư dự án. Như vậy, tính chính xác của tổng mức đầu tư dự án chưa thể được bảo đảm.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích kỹ về đề xuất của Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục đầu tư chính, với lý do ACV là đơn vị có lợi thế kinh nghiệm đầu tư, quản lý hàng không và chủ động nguồn vốn đầu tư; việc vay vốn tổ chức tài chính quốc tế không cần bảo lãnh của Nhà nước, nếu như giao trực tiếp cho ACV không qua đấu thầu, tiết kiệm 1,5 năm để triển khai sớm dự án.

“Tuy vậy, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc chúng ta đã rút ngắn được thời gian so với việc nếu như đấy là chủ đầu tư tư nhân, vì bản thân ACV là DN cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Về mặt nguyên tắc, bất kể hạng mục nào trong triển khai đều phải đấu thầu. Với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 330.000 tỷ, giai đoạn 1 là hơn 111.000 tỷ đồng, sẽ có rất nhiều gói thầu phải triển khai đấu thầu trong giai đoạn thực hiện. Trong khi đó, nếu là nhà đầu tư tư nhân sẽ không phải mất thời gian đấu thầu các gói thi công nhỏ”, đại biểu nêu.

Thứ hai, theo đại biểu, chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong đầu tư cảng hàng không, còn các đơn vị tư nhân khác thì không có khả năng. Đúng là ACV là DN đang có kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số DN trong nước, nhưng nhiều dự án do DN tư nhân chưa có kinh nghiệm đầu tư vẫn thành công, điển hình như là Cảng Hàng không Vân Đồn, được hoàn thành trong thời gian thần tốc và chất lượng không còn nghi ngờ.

Về phương án huy động vốn, nếu chỉ giao ACV chưa chắc là phương án huy động vốn tốt nhất, vì thủ tục phức tạp, nếu xảy ra rủi ro thì Nhà nước vẫn phải đứng ra bảo đảm.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị nên thuê đơn vị tư vấn tốt nhất để giám sát việc thực hiện sau này. Kêu gọi các tập đoàn tư nhân cùng làm các hàng mục, lấy ACV làm hạt nhân. Nên mạnh dạn để tư nhân vào làm những mảng mà Nhà nước không cần làm. Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không làm được mà thôi.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với việc thực hiện dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Không nên đấu thầu vì kéo dài thời gian. Việc chỉ định thầu cần phải chọn DN có năng lực, đơn vị giám sát phải đủ năng lực, không để thất thoát vốn, lãng phí, bài học về vấn đề này vẫn còn nóng hổi. Đồng thời, xử lý chu đáo vấn đề đền bù, tái định cư cho người dân.

Băn khoăn giải ngân đền bù, giải phóng mặt bằng

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Mai Sỹ Diến cũng bày tỏ lo lắng về tiến độ cho dự án sẽ làm tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Bởi sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt thì tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, “qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi”.

Mặt khác, theo Báo cáo thẩm tra, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, nhưng đến tháng 8/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%). Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

Các đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) và Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bày tỏ lo lắng về tiến độ của đại dự án này và đề nghị nghiên cứu thành lập ủy ban quốc gia về dự án này.

Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến của đại biểu. Trên cơ sở ý kiến của các nhà tư vấn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam, Bộ GTVT sẽ thẩm tra, rà soát tổng mức đầu tư sao cho sát với thực tế, không lãng phí và trượt giá như dự án khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận thực trạng chậm giải phóng mặt bằng hiện nay và cho biết đang nỗ lực khắc phục.

Về việc huy động nguồn lực, sẽ huy động cả trong và ngoài nước và chỉ khi nguồn lực trong nước không bảo đảm mới tiếp cận các tổ chức tài chính nước ngoài. Việc xây dựng được áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, thuê chuyên gia để tăng cường kiểm tra, giám sát để công trình tốt nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư để họ có phương án khởi công, xây dựng công trình vào năm 2021.

Lê Sơn (baochinhphu)


Viewing all articles
Browse latest Browse all 682

Trending Articles