Trong khi các đại biểu băn khoăn về nguồn lực của ACV, Bộ trưởng Giao thông Vận tải khẳng định doanh nghiệp này đủ tiền để làm sân bay Long Thành.
Thảo luận ở tổ chiều 24/10, bà Võ Thị Ánh Xuân – Bí thư Tỉnh uỷ An Giang nêu băn khoăn về nguồn vốn thực hiện khi Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ước tính để làm dự án này ACV sẽ phải huy động gần 2,63 tỷ USD bên cạnh vốn đã có. Điều này, theo nhiều đại biểu, có thể khiến tăng nợ công trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp.
Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án sân bay Long Thành
Dự kiến Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về báo cáo khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Báo cáo sẽ được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày. Đơn vị nào sẽ đủ điều kiện để được chọn làm chủ đầu tư công trình trọng điểm quốc gia này đã là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.
Nêu lý do chọn ACV đầu tư hạng mục chính sân bay Long Thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, “ACV có đủ khả năng thực hiện được dự án”.
Ông Thể cho biết, hiện ACV có 25.000 tỷ đồng tiền mặt đang sinh lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 gần 7.000 tỷ đồng, cùng với 3.000 tỷ khấu hao tài sản nhà ga ở 21 sân bay, thì mỗi năm tài sản đơn vị này tăng thêm 10.000 tỷ. Dự kiến đến 2025, tổng thu của công ty khoảng 50.000 tỷ. ACV đã lập kế hoạch chi tiết nâng cấp một số nhà ga ở các cảng hàng không cả nước trong 5 năm tới hết 41.000 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng các khoản thì dự kiến đến 2025, ACV sẽ có nguồn lực khoảng 37.000 tỷ.
Với số vốn mà ACV dự kiến đi vay khoảng 2,6 tỷ USD, ông Thể thông tin, Chính phủ đã làm việc với một số quỹ đầu tư nước ngoài và các quỹ này sẵn sàng cho ACV vay với lãi suất thấp mà không cần Chính phủ bảo lãnh. “Họ thấy rằng đầu tư vào sân bay Long Thành là bền vững và thực tế cho thấy các cảng hàng không lớn không bao giờ lỗ”, ông Thể phân tích, và nói thêm Long Thành là sân bay quốc tế, gắn liền với an ninh quốc gia, không thực hiện đầu tư công thì chỉ tổ chức đấu thầu trong nước. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là phải có kinh nghiệm vận hành sân bay và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia.
“Hiện ACV là đơn vị duy nhất ở Việt Nam quản lý 21 sân bay, nên nếu tổ chức đấu thầu trong nước thì cũng chỉ chọn được đơn vị này xây dựng sân bay Long Thành. Chúng tôi thấy, ngoài ACV không có đơn vị nào đủ kinh nghiệm quản lý sân bay để tổ chức đấu thầu”, Bộ trưởng Thể phân tích. Hơn nữa, nếu tổ chức đấu thầu thì sẽ mất nửa năm để phát hành hồ sơ mời thầu, chấm thầu, công bố kết quả, doanh nghiệp khiếu nại… Sau đó, sẽ phải mất thêm một năm làm hồ sơ thiết kế.
“Nếu đấu thầu thì kế hoạch khởi công sân bay Long Thành sẽ phải lùi lại đến 2022 hoặc 2023, thay vì 2021 như dự kiến. Phương án này làm chậm tiến độ dự án 1,5 năm mà cuối cùng cũng khó chọn được doanh nghiệp nào khác ngoài ACV”, ông Thể bày tỏ.
Để thuyết phục các đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói thêm, sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng, trong khi tiến độ xây dựng nhà ga T3 chậm. Nên nhu cầu hoàn thành sân bay Long Thành (giai đoạn 1) vào năm 2025 là “hết sức cần thiết”. Nếu Quốc hội ủng hộ các đề xuất của Chính phủ thì tháng 1/2020, dự án sẽ được phê duyệt. Ngay sau đó, ACV sẽ dành một năm lập hồ sơ kỹ thuật và đầu năm 2021 khởi công dự án để kịp hoàn thành, đưa vào khai thác sau 4 năm.
Ông cũng khẳng định, những đề xuất trên phù hợp với nghị quyết của Quốc hội và “không có thông số nào mà Quốc hội không nắm được để giám sát”.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ, sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, có liên quan đến an ninh quốc phòng, nên giao cho các doanh nghiệp nhà nước có chức năng quản lý, đủ thẩm quyền thực hiện thì mới yên tâm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, việc giám sát, quản lý “phải hết sức chặt chẽ ngay từ giai đoạn thiết kế, giao thầu đến thi công”. Ông đề xuất thuê giám sát nước ngoài để “loại trừ hết tất cả các mối quan hệ có thể tác động đến việc tổ chức thi công dự án”.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng ủng hộ việc để cho doanh nghiệp nhà nước đảm nhận dự án này nhưng ông lưu ý “phải làm đúng quy định để công khai, minh bạch, khách quan”.
“Quốc hội bảo cho thế này cho thế kia thì cân nhắc xem có đúng thẩm quyền không. Chúng ta ai cũng sốt ruột vì chủ trương lâu rồi nhưng chậm triển khai, nhưng phải cân nhắc kỹ, tìm nguyên nhân để đưa ra giải pháp đúng quy định, đúng thẩm quyền”, ông Chính nói.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh. “Nếu vậy thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công”, ông Thanh nói, và đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh với khoản vay của ACV để có cơ sở đánh giá đầy đủ phương án huy động vốn với nợ công.
Góp ý thêm, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cho rằng, có thể giải bài toán tài chính cho dự án bằng phát hành trái phiếu Chính phủ. Theo tính toán thì trần nợ công hiện nay cho phép việc này, “cần đến đâu phát hành đến đó”.
Ngoài nghi ngại về năng lực huy động vốn triển khai dự án này, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp ngăn đầu cơ đất đai, sốt nóng bất động sản khu vực xung quanh dự án.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh nói mỗi lần có quy hoạch, triển khai dự án mới thì đầu cơ đất đai lại nổi lên. “Chưa xin chủ trương dự án, đất đai đã phức tạp”, ông nói và đề nghị, để hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ, kinh phí đền bù cho dân phải được làm trước.
Trong khi đó, ông Vũ Trọng Kim lưu ý cần có giải pháp, làm sao để tiền đền bù đến tận tay người có đất chứ không để giới đầu cơ trục lợi. “Tôi đề nghị Chính phủ có quyết sách, không cho giao dịch tài sản đất vào thời điểm này và trong quá trình triển khai dự án để tránh đầu cơ đất đai”, ông Kim nói.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Chính phủ trình Quốc hội, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành gồm 4 hạng mục.
Hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.
Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Anh Minh – Viết Tuân (Theo Vnexpress + VTV24)